Logistics là một ngành tương đối mới ở Việt Nam. Các nhánh của Logistics thì đã phát triển khá lâu trên thế giới, nhưng khái niệm về Logistics tổng thể thì mới hình thành, nên khi du nhập vào Việt Nam, cũng gặp phải những khó khăn nhất định, do những ngành này còn chưa kịp phát triển thì đã phải đối mặt với định nghĩa của ngành mới. Logistics hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là Chuyển Vận và Hậu Cần (nghĩa là mang một sản phẩm, hay một quy trình sản xuất đến một nơi nhất định, với chi phí và thời gian thấp nhất, hiệu quả cao nhất). Rõ ràng, ngành này liên quan đến sự lưu thông của hàng hóa. Tại sao hiện nay Logistics trở thành một trong những ngành mạnh nhất, cần nhân lực nhất thế giới? Đó là vì quá trình Toàn Cầu hóa cùng các Hiệp định Thương Mại, đã dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về trao đổi hàng hóa cũng như dây chuyền sản xuất ở các đầu kinh tế. Bài viết bên dưới của IGE, sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành này.
1. Logistics là gì?
Hậu Cần hay Chuyển Vận, là định nghĩa cũ của Logistics. Ngày nay, Logistics được định nghĩa như là “một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.” Hiểu một cách đơn giản hơn, Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, hoặc đưa sản phẩm của quy trình sản xuất này sang một quy trình sản xuất khác để lắp ghép. Hoạt động của Logistics, bởi vậy rất rộng, bao gồm vận tải hàng hóa, xuất nhập khẩu, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản lý tồn kho, hoạch định cung/cầu. Ở mức độ cao nhất, chức năng của logistics còn bao gồm cả việc tìm kiếm nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, thậm chí cả dịch vụ khách hàng…
2. Tại sao Logistics lại quan trọng?
Quản lý chuỗi cung ứng, để mọi quy trình ăn khớp, phối hợp nhịp nhàng với nhau, là nghệ thuật của ngành Logistics. Chúng ta chỉ cần đưa ra bài toán, một công ty chậm trễ chuyển hàng trong vòng 1 ngày, hậu quả gì sẽ diễn ra? Chi phí lưu kho tăng thêm một ngày, nhân công giao hàng nghỉ một ngày nhưng vẫn phải trả lương, khách hàng bị giao chậm, phải có bộ phận xử lý, xoa dịu, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ hủy hợp đồng… Tổn thất của một doanh nghiệp là rất lớn. Mà đây mới chỉ là giao-nhận hàng. Ở một quy trình sản xuất, hậu quả của nó còn nặng nề hơn, vì các khâu lắp ráp, kiểm tra và vận hành, luôn liên quan đến nhau. Thế nên nếu một doanh nghiệp làm tốt Logistics, sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực, thời gian, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Khi một bộ máy hoạt động trơn tru, nhịp nhàng, thì không chỉ doanh nghiệp có lợi, mà cả bộ máy kinh tế đều có lợi. Bởi vậy Logistics giống như ngành bôi trơn cho cả bộ máy kinh tế, giúp nó hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, không vấp váp.
3. Tầm nhìn, và cơ hội của ngành Logistics
Như đã nói bên trên, Logictics là mắt xích quan trọng của nền kinh tế, nó giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng kịp thời cho sản xuất. Một nền kinh tế hội nhập và có thương mại tự do phát triển, thì nhu cầu Logistics sẽ ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với cơ hội việc làm cho người dân cũng mở rộng. Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần thêm một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Đây là một con số khổng lồ, nếu so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ thông qua con số, ta đã thấy, cơ hội của ngành Logistics ở Việt Nam lớn đến nhường nào.
4. Ai nên theo đuổi Logistics?
Từ cách mô tả, chúng ta cũng thấy, để học được Logistics, bạn phải là người có khả năng tổ chức tốt. Nếu bạn còn là người có tầm nhìn xa, có khả năng phán đoán, xử lý tình huống nữa, thì Logistics chính là ngành học dành cho bạn. Khả năng tổ chức, mới giúp bạn quản trị được các chuỗi, và phối hợp nó vào một cách nhịp nhàng. Có tầm nhìn xa, mới giúp bạn dự đoán được nhu cầu thị trường hay các yêu cầu của khách hàng, để tăng thêm hiệu quả của chuỗi cung ứng. Xử lý tình huống tốt, sẽ giúp bạn giải quyết được các vấn đề phát sinh. Đây là những yêu cầu cơ bản mà các nhà tuyển dụng luôn chờ đợi ở nhân lực logistics của mình.
Ngoài ra, do tính chặt chẽ của ngành logistics, công việc của chu trình này, luôn gắn bó mật thiết với công việc của chu trình khác, nên một phẩm chất quan trọng của người làm logistics, chính là tính cẩn thận, tỉ mỉ và kỉ luật. Bởi vì chỉ sai một quy trình trong chuỗi mắt xích của logistics, là chuỗi cung ứng không thể vận hành được tối đa. Bên cạnh đó, do lĩnh vực Logistics luôn gắn liền với giao dịch mua bán quốc tế, nên khả năng thành thạo một hay nhiều loại ngôn ngữ khác nhau sẽ là điểm cộng rất lớn với các bạn sinh viên mới ra trường.
5. Bạn sẽ làm gì sau khi học xong ngành Logistics?
Với tấm bằng Logistics, có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho bạn. Bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics, ở các công ty vận tải hay tại phòng xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, dịch vụ khách hàng, quản lí kho vận... của các doanh nghiệp, trong các lãnh vực khác nhau.
Người làm về logistics sẽ lên kế hoạch, thực thi và kiểm soát các luồng vận chuyển của hàng hóa, thông tin, chuỗi cung ứng liên quan từ nơi xuất phát tới điểm tiêu thụ. Quá trình này bao gồm nhận hàng, chuyển hàng, lưu kho, làm thủ tục hải quan, giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã code, vận chuyển đến tay người nhận, hay các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa… Những vị trí công việc cụ thể của ngành logistics gồm có:
- Lập kế hoạch, lên mô hình, phân tích số liệu: Thực hiện chuỗi cung ứng có thể là người khác, nhưng lên kế hoạch, thậm chí xây dựng ra chuỗi cung ứng, là những người này. Họ thường ngồi ở trụ sở chính và phân tích, xử lý các dữ liệu, để xây dựng lại vị trí kho bãi, thiết lập lại mạng lưới vận chuyển, để tối ưu hóa được nguyên liệu, thời gian và nhân công.
-Thu mua: là những người phải đi xác định nguồn hàng, đánh giá và chọn lựa đơn vị cung ứng, công việc của họ cũng là giữ các mối quan hệ hợp tác để đảm bảo sự cung ứng luôn kịp thời
+ Chuyên gia kiểm kê: Là người chịu trách nhiệm về kiểm kê chất lượng, độ chính xác của lưu lượng hàng hóa. Họ cũng phải làm việc với kho bãi và phải ra được chiến lược phân phối hàng hóa để tối ưu hóa dòng chảy công việc và năng suất lao động trong các cơ sở phân phối.
+ Nhân viên quản lý hàng: Là những người phải kết hợp với các nhân viên thu mua, nhân viên phân phối, cung ứng để đảm bảo quá trình phân phát hàng hóa sao cho hiệu quả.
+ Điều phối viên vận tải: Là người quản lý các mối quan hệ với bên vận tải và khách hàng để đảm bảo hàng hóa được đến và đi đúng thời hạn.
+ Điều phối viên sản xuất / chuyên gia phân tích sản xuất: Là những người phân tích, điều phối dòng chảy sản xuất để dự đoán được nhu cầu sản xuất trong tương lai, giúp bộ phận sản xuất lên được kế hoạch. (Vì họ là người nắm rõ nhất, trong thời gian này, với nguyên liệu vào là thế này, sẽ có bao nhiêu sản phẩm có thể làm ra…)
Ngoài ra, học Logistics, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan đến quản lý chuỗi cung ứng như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm…
6. Học logistics, bao gồm những gì?
Logistics là một ngành trong Quản trị doanh nghiệp, nên tất nhiên bạn sẽ phải học qua các kiến thức về Quản trị, những chương trình trong Thương mại quốc tế và nhất là những ngành chuyên sâu của Logistics, trong đó Quản trị vận hành (Operation Management), Quản trị sản xuất (Production Management), có thể là nhũng ngày phải học chuyên sâu đầu tiên từ những năm đầu đại học.
Ngoài các khóa học đó, bạn sẽ phải học về Xác xuất thống kê (Statistics), kiến thúc chung về marketing, kinh tế, để có thể đi sâu vào các ngành hẹp của Logistics như Kiểm soát phân phối nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, vận tải, chuỗi cung ứng (Supply Chain Management), kho bãi, đóng gói và dịch vụ khách hàng.
7. Bạn phải chuẩn bị những gì cho Logistics?
Về cơ bản, cũng như đa số các ngành khác, bạn cần chuẩn bị niềm yêu thích, sự kiên nhẫn, và những tầm nhìn xa cho Logistics. Do đặc thù của một ngành cung ứng, Logistics còn đòi hỏi ở bạn một sự chuẩn bị thật tốt cho sức khỏe, khả năng đương đầu với áp lực và luôn sẵn sàng đi công tác khi công ty có việc cần. Khi vươn lên đến tầm cao như nhà quản lý chuỗi cung ứng, bạn sẽ phải giải quyết những công việc y như một giám đốc điều hành, phải cung cấp giải pháp, đưa ra lựa chọn, trong một tình thế tức thời. Đây là công việc của tương lai, nhưng cũng là một vị trí áp lực, đòi hỏi sự cống hiến, và lòng kiên định lâu dài, mới dễ đạt được thành công.