Sau khi xác định rõ ràng mục đích đi du học, lựa chọn được thời điểm, hình thức và địa điểm du học thích hợp cho mình, việc bạn cần làm là tìm hiểu điều kiện nhập học, chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để gửi đến nơi học, chuẩn bị hồ sơ xin visa và tìm hiểu thật kỹ trường, viện nghiên cứu mình sẽ đến, điều kiện ăn ở, đặc điểm tự nhiên và xã hội nơi đó,...
1. Tìm hiểu điều kiện nhập học:
Bạn cần tìm hiểu thật kỹ điều kiện nhập học của trường và ngành mà bạn đã xác định theo học, bạn có thể tìm hiểu được rất kỹ việc đó thông qua website của trường. Nếu có chỗ nào không hiểu hay bất cứ câu hỏi gì, đừng ngần ngại email trực tiếp cho người phụ trách tuyển sinh ngôi trường đó nhé. Việc tìm hiểu này có thể thông qua bạn bè hay các diễn đàn trực tuyến, nếu tìm được những người Việt Nam đã hoặc đang theo học trường đó thì rất tốt. Việc kết bạn với những người cùng mong muốn đến học tịa nơi bạn chọn rất có ý nghĩa, các bạn có thể chia sẻ thông tin cho nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình nộp hồ sơ, học tập.
2. Chuẩn bị hồ sơ du học:
Sau khi tìm hiểu điều kiện nhập học của trường, bạn sẽ biết mình cần chuẩn bị cụ thể những gì, nhưng để chủ động hơn, việc cần làm của bạn là chuẩn bị trước cho mình một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ chung mà thường trường nào, cơ sở đào tạo nào cũng cần. Vì, nếu để “nước đến chân mới nhảy” – khi biết cần chuẩn bị giấy tờ gì mới làm, thì sẽ rất vất vả, tốn kém, có khi lại chậm trễ, và vì vội vàng nên có thể chuẩn bị không tốt, dễ bị loại.
3. Thị thực ( Visa ):
Bạn có cần visa cho năm học đó không? Nếu bạn đi đến những nước ngoài châu Âu, có thể bạn sẽ phải xin visa để được nhập cảnh. Thường trường của bạn, hoặc trường bên kia sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục visa, loại visa bạn cần xin, và cung cấp các mẫu đơn có liên quan. Tuy nhiên, chính bạn phải đặt lịch hẹn và phỏng vấn với đại sứ quán để xin visa.
Một lần nữa, tớ khuyên các bạn nên dành nhiều thời gian cho việc này, bởi vì các đại sứ quán thường rất bận và có lúc bạn sẽ phải đợi một thời gian thì mới đặt được lịch hẹn. Đồng thời, bạn cũng nên biết rằng các đại sứ quán sẽ thu hộ chiếu gốc của bạn ít nhất một tuần để cấp visa. Nếu bạn có ý định đi đâu đó trong khoảng thời gian xin visa thì bạn nên xem xét lại. Đến du học nước nào thì tốt nhất là bạn nên xin visa vào nước đó (vì một số nước thuộc các liên minh, khi có visa vào một nước thành viên là vào được các nước khác), mỗi nước lại có những yêu cầu hồ sơ xin visa khác nhau, nhưng với trường hợp xin visa du học, thường bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu.
- Hộ chiếu còn hạn.
- Bằng cấp, bảng điểm/học bạ.
- Một tờ đơn xin cấp visa – thường theo mẫu của mỗi nước.
- Giấy chứng nhận sức khỏe – thường đại sứ quán mỗi nước có quy định giấy này bạn phải xin ở những cơ sở y tế nào ở Việt Nam.
- Lý lịch tư pháp – Một tờ giấy nói đến lịch sử tư pháp của bạn như đã từng phạm tội chưa, ở đâu, làm gì… Giấy này bạn phải xin ở Sở Tư pháp của thành phố/tỉnh nơi bạn có hộ khẩu thường trú.
- Thư chấp nhận vào học của trường nước ngoài nơi bạn sẽ học.
- Giấy chứng nhận nơi bạn sẽ ở trong quá trình học.
- Bảo hiểm quốc tế (thường là bảo hiểm du lịch quốc tế).
- Vé máy bay.
- Chứng minh tài chính/thư đảm bảo tài chính của tổ chức bảo trợ hoặc cấp học bổng cho bạn/Thư mời học bổng trong đó có nói rõ nơi cấp tiền và số tiền hằng tháng bạn sẽ nhận.
4. Khám sức khoẻ:
Khá nhiều trường đại học yêu cầu bạn cung cấp các giấy khám bệnh của bạn trước đây để ghi vào hệ thống của trường và làm cơ sở để cấp bảo hiểm y tế. Bạn phải đảm bảo giấy khám sức khoẻ của mình rõ ràng và chuẩn bị đầy đủ để nộp bất cứ khi nào trường yêu cầu. Như tớ thì khổ lắm luôn ý. Giấy khám bệnh của tớ tớ để ở nhà ba mẹ, vậy nên ba mẹ phải chuyển lại cho tớ theo địa chỉ ở trường đại học. Cũng may vì không gấp gáp nên mọi chuyện cũng ổn. Nhưng nhỡ mà đến giờ chót tớ mới đi tìm giấy tờ thì có khi mọi chuyện đã không được êm đẹp như vậy rồi.
5. Tìm hiểu điều kiện ăn ở nơi mình sẽ đến:
Những thông tin về ký túc xá, nhà trọ như trong trường có chỗ ở cho sinh viên nước ngoài không, phòng ở bao nhiêu người, điều kiện sinh hoạt thế nào, có gần nơi học không, đi lại có thuận lợi không… là những điều bạn cần tìm hiểu trước khi sang học. Việc trường có ký túc xá hay không, có đủ chỗ cho sinh viên ở không tùy thuộc vào từng cơ sở đào tạo. Nên tìm hiểu những thông tin này sớm, đăng ký sớm, bạn sẽ có cơ hội được ở và ở với điều kiện tốt hơn, hãy cố gắng tìm các thông tin trên diễn đàn cộng đồng du học sinh biết đâu họ có thể giúp đỡ mình trong việc tìm được nơi ở thích hợp, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập của chúng ta khi đem “cơm” đi học sứ người.
6. Tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên – xã hội nơi mình sẽ đến:
Các thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết của nơi mình dự định đến học cũng cần được bạn xem xét. Nơi đó nhiệt độ thế, có mưa nhiều, các mùa ra sao… bạn đều cần có câu trả lời. Bên cạnh các đặc điểm tự nhiên, bạn cần quan tâm đến các đặc điểm về lịch sử, xã hội của nơi mình sẽ đến. Liệu ở đó người dân có thân thiện hay không, có cởi mở với người nước ngoài không, quan điểm sống và thế giới quan chung thế nào… cũng cần được bạn quan tâm. Vì chắc hẳn, bạn sẽ không yên tâm sinh sống, học tập tại nơi mà ở bất cứ nơi đâu mình đều bị nhìn và đối xử như người đến từ hành tinh khác. Để có được những kinh nghiệm về vấn đề này, các bạn có thể tìm hiểu trên các diễn đàn sinh viên trường, hoặc làm quen trực tiếp với các anh/chị đi trước. Mỗi trường/mỗi khu vực thường đều có hội sinh viên riêng và các thành viên trong hội rất cởi mở, nhiệt tình hỗ trợ nên các bạn học sinh có thể xin được những thông tin hữu ích, xác thực mà không cần lo lắng hay ngại ngần.
7. Chuẩn bị về tâm lý:
Con đường dẫn tới tương lai luôn có những khó khăn, thử thách. Thông thường, các bạn học sinh chỉ nghĩ rằng du học, là được học tập và sinh sống tại một quốc gia phát triển, giàu đẹp với môi trường văn minh, tiên tiến. Tất cả những hình ảnh, viễn cảnh về trường học và quốc gia nước ngoài đều đẹp như trong tranh. Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh những điều đẹp đẽ đó, là những cuộc sống độc lập tự lo cho bản thân; là những giây phút nhớ nhà, nhớ người thân đến quay quắt; là những ngày lễ tết thiếu bố, thiếu mẹ, thiếu bạn bè thân; là những lúc ốm sốt vắng người chăm sóc;… Một thầy hiệu trưởng trường THPT tại Canada từng nói rằng: ‘That they are international students means they don’t have a home to come for after school’ – tạm dịch ‘Là học sinh quốc tế cũng có nghĩa các em không có một ngôi nhà đúng nghĩa để quay về mỗi khi tan học’. Do đó, các bạn du học sinh cần phải chuẩn bị cho mình một suy nghĩ thực tế, một tâm lý vững vàng. Các bạn nên tìm hiểu tất cả những khó khăn mà một du học sinh có thể gặp phải, để từ đó định hướng cho mình cách vượt qua những khó khăn ấy. Các bạn nên nhớ rằng, bố mẹ, gia đình, bè bạn vẫn sẽ luôn ở cạnh và động viên bạn bất cứ khi nào bạn cần. Với thời đại công nghệ hiện nay, các bạn chỉ cần mở máy tính, bật điện thoại, những ứng dụng xã hội như facebook, skype, viber, etc. sẽ dễ dàng giúp bạn liên lạc với người thân.
Hãy tự nói với mình rằng, đừng để những khó khăn bước đầu cản chân mình đi tới thành công.
8. Sẵn sàng, sắp xếp, lên đường:
Xin chúc mừng – bạn đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu đầy ấn tượng. Có nhiều điều cần suy tính trong thời gian này, và tư vấn viên của bạn sẽ trợ giúp mọi việc với lời khuyên về những vấn đề như đổi tiền, bảo hiểm, thẻ SIM, và mở tài khoản ngân hàng. Chúng tôi có tổ chức những buổi nói chuyện về việc chuẩn bị lên đường trong suốt năm, để giúp bạn tự chuẩn bị cho cuộc sống du học sinh ở nước bạn mới đến.
Nếu có bất cứ khó khăn hay thắc mắc gì, hãy liên hệ ngay với chúng tôi. IGE sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các bạn !!