Khi chuẩn bị kế hoạch du học tại bất kỳ một quốc gia nào, du học sinh cần ước tính tổng số chi phí cho toàn bộ thời gian học, chính sách cho sinh viên quốc tế, cơ hội làm việc và nghề nghiệp sau tốt nghiệp. Các bạn hãy tham khảo bài viết trên IGE về chi phí du học và chính sách giữa một số quốc gia trên thế giới để hiểu rõ hơn nhé.
Du học Châu Mỹ (Mỹ và Canada)
Theo Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ, hơn hai phần ba các sinh viên quốc tế học tại Hoa Kỳ trang trải chi phí học tập bằng tiền của chính họ hoặc qua sự hỗ trợ của gia đình. Chỉ có khoảng 20% sinh viên quốc tế trang trải được phần lớn chi phí học tập của mình qua sự hỗ trợ tài chính của một trường cao đẳng hoặc đại học ở Hoa Kỳ.
Chi phí giáo dục ở các trường đại học của Mỹ chênh nhau rất lớn, có trường tổng chi phí mỗi năm chỉ khoảng 20.000 USD, nhưng cũng có trường lên đến hơn 100.000 USD/năm.
Các sinh viên quốc tế học các chương trình cấp bằng đại cương ở các trường đại học, cao đẳng cộng đồng thường phải tự túc chi phí học tập. Nhưng ở các trường đại học hệ nghiên cứu có nhiều cơ hội tài trợ dành cho sinh viên hơn. Điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm mọi cơ hội tài trợ có sẵn.
Dù học phí và dịch vụ phí dao động rất lớn tùy từng trường, nhưng không có sự tương quan nào giữa mức học phí, dịch vụ phí với chất lượng của trường.
Canada cho bạn chất lượng giáo dục cao, sự đa dạng về văn hóa và bằng cấp có giá trị toàn cầu. Du học sinh quốc tế có thể tiết kiệm đáng kể chi phí khi theo học ở Canada. Theo một kết quả khảo sát thực hiện bởi Hiệp hội Đại học của Khối Thịnh vượng chung (Assiciation of Commonwealth Universities). Canada là nơi có học phí thấp nhất cho du học sinh so với các nước Anh, Úc, Mỹ và New Zealand. Ngoài ra, học phí các trường Đại học công lập tại Mỹ cao hơn 1/3 so với học phí Đại học Canada, trong khi học phí các Đại học tư cao hơn gấp đôi.
Du học Châu Úc (Úc & New Zealand)
Tại New Zealand, chất lượng giáo dục và cuộc sống cao nhất nhì thế giới trong khi chi phí học tập thấp hơn nhiều so với các nền giáo dục hàng đầu khác.
Sinh viên đang học có thể nộp đơn xin làm việc được 20 giờ/tuần so với quy định cũ là 15 giờ/tuần. Sinh viên theo học các khóa học từ 12 tháng trở lên có thể nộp đơn xin đi làm toàn thời gian vào các kỳ nghỉ hè.
Học sinh đang học lớp 12, lớp 13 hoặc các khóa học Anh văn cũng được phép làm việc đến 20 giờ/tuần.
Trước đây, chi phí sinh hoạt và học tập tại Úc thấp hơn so với du học tại Anh quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vài năm qua, tỷ giá đồng đô Úc tăng khiến du học sinh Việt đau đầu vì chi phí du học ở xứ chuột túi bỗng dưng đắt hơn cả Anh, Mỹ.
Ngoài việc đóng học phí trước khi vào học, một số trường có thể yêu cầu du học sinh đóng thêm một số lệ phí khác như lệ phí gia nhập hội sinh viên học sinh, lệ phí thư viện và phòng thí nghiệm, lệ phí sử dụng các tiện nghi thể thao, lệ phí phụ như du ngoạn, sách vở, văn phòng phẩm và các vật liệu cần thiết khác cho một số khóa học. Tất cả các loại học phí đều được miễn thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ).
Du học Châu Âu (Anh, Hà Lan, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha)
Vương Quốc Anh có thể xếp vào nhóm quốc gia có chi phí du học cao nhất thế giới… Tuy nhiên, khóa học sau đại học tại Anh chỉ kéo dài một năm, bằng nửa thời gian so với các khóa học tương tự tại khối các nước nói tiếng Anh khác.
Bên cạnh học phí, các chi phí cho sinh hoạt khi học tập tại Anh cũng rất đáng kể. Nếu sống ở London, mức sinh hoạt phí sẽ cao gần gấp đôi so với các thành phố khác. Tuy sinh hoạt phí ở Anh cao, nhưng sinh viên sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi như: giảm giá tại các cửa hàng, nhà hát, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng trưng bày, xe buýt, tàu lửa…
Thụy Sỹ là quốc gia nổi tiếng về ngành khách sạn với chất lượng hàng đầu thế giới. Đất nước này thu hút sinh viên quốc tế đến học rất đông bởi chương trình đào tạo kết hợp thực tiễn, chi phí du học Thụy Sỹ được đánh giá là cao so với các quốc gia khác. Sinh hoạt phí của sinh viên quốc tế thường sẽ được giảm thiểu bởi chính chương trình thực tập hưởng lương, và sinh viên không được phép làm thêm.
Tây Ban Nha và Hà Lan có mức học phí thấp hơn cùng nhiều chương trình học bổng hàng năm, sinh hoạt ở đây cũng không quá đắt đỏ nên 2 quốc gia này là lựa chọn cho những bạn có mức ngân sách tầm trung.
Du học Châu Á
Ngoài ba trường đại học công nổi tiếng thế giới, Singapore còn có những trường đại học hàng đầu của Mỹ, Úc, Pháp thành lập cơ sở giáo dục tại đây. Hệ thống trường tư được chính phủ kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh trường chuyên của Việt Nam chọn du học ở đảo quốc sư tử. Những học sinh muốn nâng cao trình độ Anh ngữ cũng đã tìm đến Singapore. Học phí du học tại Singapore có thể nói là cao ngang ngửa các quốc gia như Anh, Úc,..
Ngoài Singapore, trong những năm gần đây sinh viên Việt Nam đặc biệt quan tâm tới một số quốc gia như Philippines (để học tiếng Anh); Thái Lan; Hàn Quốc; Nhật Bản.
“Mẹo” giảm sinh hoạt phí
Tất cả mức sinh hoạt phí trên đây chỉ mang tính tham khảo, vì tiêu xài ít hay nhiều phụ thuộc vào “tài” của du học sinh, tất nhiên, nếu “khéo co” thì “mới ấm”. Thông thường, sinh hoạt phí cơ bản bao gồm tiền ăn, ở, sách và đồ dùng cho cả năm học. Hầu hết các trường đều có hiệu sách trong khuôn viên, cho phép bạn mua sách đã dùng rồi với giá rẻ, hoặc bán lại sách mình đã dùng vào cuối học kỳ bằng một phần giá trị của sách mới.
Để nguồn tài chính không bị “nửa đàng gãy gánh”, phụ huynh và học sinh cần lập kế hoạch tài chính ít nhất 12 tháng trước khi bắt đầu du học. Chuẩn bị kinh phí cho chương trình học của con em bao gồm:
- “Tự kiểm” các nguồn kinh phí cá nhân
- Xác định các khoản tài trợ (học bổng, vay tiền…) mà bạn có đủ tiêu chuẩn để xin cấp.
Những quốc gia Mỹ, Canada, Anh, Úc, Singapore đều có nền giáo dục đỉnh cao, cùng là môi trường nói tiếng Anh, cùng là những cường quốc kinh tế. Chọn quốc gia nào dựa vào nhu cầu “đầu ra”, sở thích hay có họ hàng ở bản xứ… đều đòi hỏi các bậc phụ huynh và học sinh cân nhắc kỹ lưỡng.